Không thể phủ nhận sự thu hút và hứng thú từ các bà mẹ khi tìm hiểu về hình thức ăn dặm cho bé kiểu Nhật, bởi có rất nhiều ưu điểm cũng như hình thức áp dụng mới lạ bổ ích. Tuy nhiên từ tìm hiểu tới thực hiện và thành công là cả một quá trình cần nhiều yếu tố thì mới có thể thành công được.
Vậy nếu bạn muốn áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé yêu của mình, hãy tham khảo xem các thắc mắc được giải đáp trong bài viết có giúp ích gì được không nhé!
Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật
Hẳn cách ăn này được “tung hê” bởi có mục đích ăn khá rõ ràng là hình thành thói quen ăn uống và kích thích sự đa dạng vị giác của bé, đặc biệt không đặt nặng việc phải sử dụng hết lượng thức ăn. Vì thế không quá khó hiểu nếu mẹ quyết định chọn phương pháp này áp dụng cho bé sẽ “ít” thấy thành quả của mình, bé sẽ tăng cân ít hơn. Tuy nhiên con yêu lại có sức đề kháng và chắc khỏe hơn, đặc biệt tự ăn mà không cần sự hỗ trợ của các phương tiện như tivi, ipad hay đi rong khắp nơi…
Thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Trên thực tế thì tùy vào tốc độ phát triển và cơ địa của mỗi trẻ mà thời gian bắt đầu cho ăn dặm là khác nhau, dù theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng từ tháng thứ 6 trở đi thì mẹ hãy giới thiệu các món ăn dặm thơm ngon cho bé. Những biểu hiện của trẻ như thèm ăn, chóp chép miệng, đùn đẩy miệng lưỡi khi thấy người lớn ăn…là lúc cơ thể bé cần tiếp nạp nhiều hơn lượng sữa mẹ và sữa công thức hàng ngày. Nhưng mẹ cần phải biết rằng từ 4 đến 8 tháng thì việc ăn dặm với trẻ chỉ là làm quen với thức ăn đặc ngoài sữa, hình thành kỹ năng nhai nuốt bởi từ khoảng 9 tháng trở đi thì cơ thể bé mới hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng thông qua ăn dặm.
Ăn dặm kiểu Nhật sẽ ăn như thế nào?
Điểm khác biệt lớn giữa phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và các cách ăn dặm khác là ở khâu chế biến món ăn. Bởi thông thường thức ăn cho trẻ sẽ xay hoặc nghiền nhuyễn, trộn lẫn bột và nhiều loại thực phẩm lại với nhau. Còn với hình thức chế biến kiểu Nhật thì lại cho bé ăn riêng biệt từng loại một, bắt đầu với cháo hoặc bột gạo rồi mới đến rau củ hấp mềm, sau cùng sẽ là thức ăn đạm. Hình thức này giúp bé làm quen được với từng vị riêng của mỗi loại thực phẩm, nhằm giúp phát triển vị giác. Mẹ hãy lưu ý là mỗi ngày cho bé thử 1 món nhé!
Tiếp theo là cách cho con ăn, các mẹ chỉ hỗ trợ chăm bón thức ăn khi bé chưa hình thành được kỹ năng cầm nắm, sau đó hãy khuyến khích và tập cho bé tự đưa muỗng cùng đồ ăn vào miệng. Hãy rèn luyện bằng bánh ăn dặm, rau củ hấp mềm hoặc các món ăn dễ tan.
Bất cứ phương pháp ăn dặm nào cũng cần sự kiên nhẫn ở người mẹ và thái độ hợp tác của con yêu, mẹ đừng nản chí bởi đây là giai đoạn nền móng quan trọng cho thói quen ăn uống cũng như dinh dưỡng cơ bản cho cơ thể bé sau này.