Những điều cần biết về vitamin D

Vitamin D là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của xương. Nó tham gia vào quá trình hấp thụ canxi, photpho ở ruột, điều hoà việc tổng hợp và bài tiết hormon làm tăng hấp thụ canxi, photpho ở thận.

Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết này để biết về tác hại, triệu chứng của việc hụt vitamin D cũng như cách bổ sung vitamin D cho trẻ nhé.

Tác hại của việc thiếu hụt vitamin D

Trẻ nhỏ nếu không được cung cấp đủ lượng vitamin D sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, do chất xương và sụn không được vôi hoá đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng. Tuy nhiên, thiếu vitamin D có thể phòng tránh được.

Trẻ sinh ra từ mẹ thiếu vitamin D cũng sẽ bị thiếu vitamin D. Sữa mẹ cũng như tất cả các loại sữa khác đều không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho trẻ. Nếu trẻ không được bổ sung vitamin D và không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm thì sẽ dễ bị thiếu vitamin D, từ đó giảm hấp thụ canxi và thiếu canxi, gây rất nhiều tác hại, trong đó nặng nhất là còi xương.

Triệu chứng cho biết trẻ thiếu vitamin D

Thần kinh bị kích thích (quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi), hay đổ mồ hôi trộm cả lúc trời lạnh, co giật khi sốt cao, có thể khó thở. Nặng hơn nữa, trẻ sẽ bị yếu cơ và có sự biến đổi ở xương đầu, lồng ngực, tay chân, cơ – dây chằng và cột sống.

Cách bổ sung vitamin D cho trẻ

Lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin D

Cần bổ sung vitamin D với hàm lượng: 10mcg (hay 400UI)/ngày cho các trẻ sơ sinh bú mẹ, bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D. Đối với các trẻ sơ sinh không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày (ở xứ lạnh nhiều sương mù…), cần bổ sung vitamin D với lượng 800UI/ngày. Nếu trẻ bú loại sữa đã có bổ sung vitamin D, thì không cần cho uống thêm vitamin D.

Nguồn cung cấp vitamin D ở người chủ yếu là qua da, da giúp cung cấp 80 – 85% nhu cầu vitamin D. Nếu được tắm nắng đầy đủ, sau 3 giờ, 1cm2 da có thể sản xuất ra 18UI vitamin D3. Khi trẻ đã đủ cứng cáp, nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là từ 7 – 8 giờ sáng). Nên để trẻ ở nơi kín gió, tránh để trẻ bị lạnh. Không cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 -14 giờ. Vào mùa đông, ánh nắng mặt trời không đủ tía cực tím, vì vậy dù có cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng cũng không tổng hợp đủ vitamin D.

Đồng thời, bạn cũng đừng quên việc bổ sung vitamin D qua chế độ ăn hằng ngày cho trẻ nhé. Vitamin D3 có trong các nguồn thức ăn động vật như gan cá (đặc biệt là cá thu, cá ngừ), thịt, lòng đỏ trứng, bơ, sữa. Các loại nấm, rau quả dưới tác động của tia cực tím cũng chuyển thành vitamin D2 có tác dụng như vitamin D3. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo cũng giúp hấp thụ tốt vitamin D. Người mẹ mang thai uống vitamin D có thể giúp xương của con mình khoẻ mạnh khi trẻ lớn lên.

Ngoài những cách bổ sung vitamin D cho trẻ mà chúng tôi vừa giới thiệu, bạn cũng có thể tham khảo thêm sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất cho bé tại đây.

Post Author: admin