Phân biệt sự khác nhau giữa mắng và cáu giận với con

Chúng ta hãy cùng làm rõ sự khác nhau giữa “mắng” và “cáu giận” để có thể bày tỏ cảm xúc đúng cách và không gây tổn thương cho con khi giận dữ nhé!

Sự khác nhau giữa “mắng” và “cáu giận”

“Cáu giận” là cách thể hiện cảm xúc một chiều, là hành vi bộc lộ cảm xúc với đối phương. Vì vậy cả phía giận và phía bị nổi giận đều khó có thể nhận ra điểm “kết thúc”. Con trai có lẽ cũng có những lúc rất bối rối không biết phải nên làm gì trong những lúc như thế.

“Sao con lại làm thế? Mẹ đã nói với con rồi cơ mà! Sao lúc nào con cũng làm những việc giống nhau thế! Thôi con không cần ăn cơm nữa đâu! Con ra ngoài đi! Mẹ bực mình lắm rồi! Sao con không hiểu được điều này?”.

Khi đã bắt đầu cáu giận thì giống như người bị ho vậy, những lời trách giận, phàn nàn cứ nối nhau liên tục, không biết tới lúc nào mới kết thúc. Với con, đây có lẽ như một cuộc tra tấn. Còn mẹ thì không nhìn thấy gì hết ngoài sự tức giận với con đang bùng bùng cháy trước mắt.

Còn “mắng mỏ” thì chủ thể vẫn là mẹ, nó không phải là một chiều mà bao gồm cả những lời nhắn nhủ và kỳ vọng vào con trai, mong muốn con làm được việc một cách đúng hơn, tốt hơn. “Mắng” chính là thể hiện một cách cụ thể những mong muốn mà mẹ đặt tới con. Lời mắng bao hàm cả “đích” mà mẹ muốn con hướng tới. Điều cần thiết là làm sao để con hiểu được điều này. Tuy vậy, việc mắng cũng là một việc khá khó khăn.

Vì vậy tôi cho rằng “cáu giận” là việc mẹ chỉ thể hiện cảm xúc của mình một chiều, còn “mắng” là cho con biết cảm xúc của mẹ, để con biết mình nên sửa chỗ nào, cần hướng tới đâu.

hãy mắng đúng cách chứ đừng tức giận với con

Khi mắng, không cần phải nổi giận

Vậy thì mắng con thế nào để con có thể hiểu được?

Điều đầu tiên đó là không để bị cảm xúc chi phối một cách trực tiếp. Đặc biệt đó là các cảm xúc “cáu giận” hay “buồn rầu”. Khi con trai làm một điều không cần thiết, mà mẹ muốn con dừng lại hành động này thì các mẹ thường nổi giận “Con làm cái trò gì thế này!”. Đây cũng là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên hãy nhìn con trai, con đang có phản ứng thế nào?

Ví dụ, con đang nghiêng cốc sắp làm đổ sữa ra bàn, thì mẹ sẽ nói gì? Có lẽ mẹ sẽ hét to lên “Con dừng lại! Dừng ngay lại”. Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như vậy. Sau đó có lẽ mẹ sẽ ngăn chặn hành động này ngay.

Các mẹ thử nghĩ xem với cách làm này con sẽ không làm đổ sữa ra nữa không? Tôi xin khẳng định rằng, chắc chắn một lúc khác con sẽ lại làm thế. Có khi còn đổ nhiều hơn lần trước nữa. Vì sao lại thế, bởi vì hành động mà bé dừng lại là vì bị mẹ nói dừng và con bị bất ngờ trước âm lượng của mẹ, chứ không phải vì con nhận thức ra hành động đó là không tốt.

Còn mẹ vì muốn con thay đổi hành động nên đã mắng. Muốn con “dừng lại” “thay đổi” “giảm bớt”. Nếu những mong muốn này của mẹ được truyền đạt tới con, để con hiểu được thì thật là tốt. Không cần thiết phải nổi giận làm gì.

Cách mắng đúng khi con chuẩn bị làm đổ sữa là:

Nói với con rằng “Con làm đổ sữa ra bàn là không được đâu”, (dùng lời nói để răn dạy con)
Nếu con vẫn không dừng lại, thì chặn hành động của con lại. Chặn tay của con lại một cách nhẹ nhàng, hoặc cất cốc đi. (hành động ngăn chặn)
Nói cho con biết lý do lại sao không muốn con làm đô sữa, đó có thể là các lý do như “Nếu con làm đô sữa ra, thì sẽ không có chỗ để ăn cơm” “Quần áo sẽ bị ướt”. Nói cho con những gì sẽ xảy ra nếu con làm đổ (dự đoán). Đừng nghĩ rằng “Vì con còn nhỏ nên có nói con cũng không hiểu gì” mà quan trọng là truyền đạt cho con đây là hành vi không tốt thông qua thái độ, và mong muốn của mẹ. Hãy nói và giảng giải một cách cẩn thận và kỹ càng cho con.
Và cuối cùng truyền đạt cho con biết đâu là hành động đúng cần làm như “Đây là thứ để uống, không phải là thứ để chơi” “Chúng ta cùng ngồi ăn cơm thôi” (chỉ ra hướng cần thay đổi).

Các cư xử sẽ thay đổi tùy thuộc vào tính cách từng bé, theo từng hoàn cảnh. Đây không phải là đáp án tuyệt đối nhưng tôi nghĩ nếu chú ý cử xử tình huống theo trình tự như trên thì bé sẽ hiểu được rằng đây là hành động sai và cần phải được sửa đổi mà thôi.

Post Author: admin